Thời đi học tôi đã được học nhiều về quản lý tài chính và chỉ khi Tôi tình cờ biết đến khái niệm “Giá trị tài sản ròng (Net worth)” từ hơn 10 năm trước, trong một lần tìm hiểu về những người nổi tiếng.
Chỉ cần gõ tên Bill Gates, hay Britney Spears, cụm từ “net worth” gần như luôn xuất hiện tự động ở phần từ khoá đề xuất. Điều này đã từng khiến tôi nghĩ rằng nó hẳn là chỉ dành cho những người quyền lực và giàu có. Nhưng sau này, khi tìm hiểu thêm về tài chính cá nhân, tôi mới nhận ra ai cũng có “net worth”. Thậm chí nó quan trọng với tất cả mọi người.
Nhiều người Việt có thói quen hỏi “Lương tháng bao tiền?” để đoán xem đối phương “đắt giá bao nhiêu”. Nhưng thực sự, câu hỏi đúng hơn phải là “Net worth thế nào?”. Tính net worth ra sao? Nói theo thuật ngữ ngân hàng – bảo hiểm, net worth, hay còn gọi là giá trị tài sản ròng, được tính bằng tổng tài sản có trừ đi tổng sản nợ. Nhưng bạn có thể hiểu đơn giản hơn là:
Net worth = Số tiền mình đang sở hữu (bao gồm tiền mặt, tiền trong ngân hàng và cả số tiền quy ra từ giá thị trường của các tài sản như nhà cửa, đất đai, xe cộ…) – Số tiền đang nợ
Ví dụ:
Bạn có 10 triệu đồng trong ngân hàng và đang vay người thân 2 triệu đồng. Net worth của bạn = 10 – 2 = 8 triệu đồng.
Bạn có 10 triệu đồng trong ngân hàng và sở hữu một xe ô-tô có giá trị trường hiện tại là 200 triệu đồng. Nhưng vài năm trước, bạn đã mua trả góp chiếc xe ô-tô ấy với số tiền cao hơn rất nhiều, và còn nợ ngân hàng 300 triệu. Net worth của bạn = 10 + 200 – 300 = -90 triệu đồng
Bạn dồn tất cả tài sản vào đầu tư chứng khoán. Hôm nay giá trị cổ phiếu là 1 tỷ đồng, vì vậy net worth của bạn là 1 tỷ đồng. Nhưng ngày mai, giá cổ phiếu đi xuống còn 800 triệu thì net worth của bạn cũng sẽ chỉ còn 800 triệu.
Đó là những tình huống tài chính đã được giản lược để bạn dễ theo dõi giá trị tài sản và số tiền vay nợ.
Còn trong thực tế, số tiền ở hai nhóm này có thể xuất phát từ rất nhiều nguồn khác nhau. Lúc này, bạn nên có một danh sách “tài sản có” và “tài sản nợ” rõ ràng, được cập nhật thường xuyên để tính toán net worth được chính xác. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trường hợp bạn đang đầu tư, kinh doanh, hay mua nhà, mua xe trả góp.
Tại sao net worth quan trọng hơn thu nhập hàng tháng?
Thứ nhất, mức thu nhập chỉ thể hiện được bạn “kiếm” được bao nhiêu tiền. Trong khi đó, net worth cho bạn biết mình “giữ” được bao nhiêu tiền. Mà việc giữ được bao nhiêu trong tay mới phản ánh được tình trạng “sức khoẻ tài chính” thực sự của bạn.
Có những người nhìn bề ngoài rất “hoành tráng”: nhà lầu, xe hơi, đi du lịch, mua sắm quanh năm… Tuy nhiên, những tài sản và trải nghiệm mà họ có được đó lại đều từ tiền vay mượn, trả góp, tín dụng mà ra. Net worth của họ ở mức rất thấp, hoặc thậm chí âm. Khi đó, ta có thể nói rằng họ “giàu nợ hơn là giàu có“.
Vì vậy, việc biết net worth của bản thân ở mức nào rất quan trọng, để ta không ngộ nhận về tình hình tài chính cá nhân. Việc nghĩ rằng mình đang làm tốt hơn hay tệ hơn thực tế đều dẫn đến những hậu quả rất khôn lường
Nếu chỉ nhìn vào thu nhập hàng tháng để chi tiêu mà không để ý các khoản nợ, bạn có thể đang “che mắt” chính mình. | Nguồn: Harry Cunningham/Unsplash.
Thứ hai, tập trung vào net worth thay vì lương tháng sẽ giúp kiểm soát được nguy cơ lạm phát lối sống (lifestyle creep/lifestyle inflation).
Nguy cơ này xảy ra khi bạn đột ngột có một mức lương cao và cảm thấy mình có thể chi tiêu rộng rãi hơn. Tuy nhiên, khi “vung tiền quá trán” , net worth của bạn thậm chí có thể xuống thấp hơn so với lúc bạn còn nhận mức lương cũ.
Nếu tập trung vào net worth, bạn sẽ có kỷ luật hơn với đồng tiền mình kiếm được, trân trọng hơn mức lương tăng của mình và có định hướng đầu tư, tiết kiệm tốt hơn để phát triển bản thân.
Thứ ba, khi nắm được net worth của mình, bạn có thể tự đặt ra những cột mốc quan trọng để cải thiện năng lực tài chính. Ví dụ: trả nợ để đưa net worth ra khỏi con số âm, có được 1 tỷ đồng net worth ở tuổi 35…
Với những mục tiêu rõ ràng như vậy cho net worth, bạn sẽ có động lực hơn để làm việc kiếm thêm thu nhập, tiết kiệm, đầu tư những kênh thông minh… thay vì chỉ trông chờ vào đồng lương. Cập nhật net worth thường xuyên cũng giúp bạn tránh khỏi tình trạng nợ nần mất kiểm soát, hiểu được ảnh hưởng của việc trả lãi vay ngân hàng và việc nhận lãi kép trong đầu tư đến tình trạng tài chính chung của mình.
Cần quản lý net worth thế nào?
Nên:
Thuộc lòng công thức: net worth = số tiền sở hữu – số tiền nợ.
Thường xuyên kiểm tra net worth của mình ít nhất 1 lần/tháng bằng cách cập nhật số tài sản có và số tài sản nợ.
Tính tay, sử dụng excel, hoặc dùng những ứng dụng tự động tính toán và cập nhật net worth như Personal Capital. Vạch ra những cột mốc quan trọng, những mục tiêu mà bạn muốn nhắm tới cho net worth của mình.
Không nên:
Quá ám ảnh với net worth mà kiểm tra/tính toán hàng ngày, hay lo mất ăn mất ngủ khi net worth giảm sút. (Vì quản lý net worth cũng tương tự như đầu tư, bạn cần có chiến lược dài hạn để tăng trưởng bền vững.)
So sánh net worth của mình với người khác khi chưa hiểu rõ tình hình tài chính của họ.
Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn khi làm việc với net worth. Đặc biệt trong những giai đoạn tài chính khó khăn, net worth cần thời gian để phục hồi và tăng trưởng. | Nguồn: covertkit/Unsplash.
Kết
Net worth là một trong những chỉ số quan trọng, giúp ta có cái nhìn bao quát và thực tế về tình hình tài chính cá nhân.
Vì vậy, hãy cập nhật net worth thường xuyên để kiểm soát nợ nần, tiết kiệm và đầu tư đúng đắn, cũng như có thêm động lực làm việc, nhằm đạt được mục tiêu tài chính mà mình mong muốn.